Không Hành Khasarpana
- Jigme
- 4 thg 3
- 10 phút đọc
Đã cập nhật: 6 thg 3
Vốn đã đạt tới quả vị Phật toàn giác, song thay vì nhập niết-bàn và thoát ly chốn luân hồi uế tạp, Bồ-tát Quán Thế Âm Avalokiteshvara đã phát đại nguyện cứu độ và hướng đạo cho tất cả chúng sinh. Ngài là một trong những hình tượng Bồ-tát lâu đời và được tôn kính nhất thế giới Phật giáo, lan tỏa rộng khắp Nam Á, Trung Á và Đông Á. Trong vô số hóa thân Quán Thế Âm, hiện tướng Không Hành Khasarpana là một đại diện tiêu biểu cho lòng từ bi toàn hảo nơi ngài. Những miêu tả về đức Không Hành trong nghệ thuật và nghi quỹ thể hiện rõ vai trò của ngài — đấng Bồ-tát đại từ đại bi cứu vớt hữu tình khỏi khổ đau đọa lạc.

Những Đặc Điểm Tiêu Biểu của Bồ-tát Không Hành
Trong tiếng Phạm, hồng danh Khasarpana (hay Khasarpani khi chuyển ngữ sang tiếng Tạng; Tib. Kha sarpa ni) mang ý nghĩa “người du hành trên không trung” (Tib. mKha’ spyod). Ngài là một hiện thân của đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát, và đặc biệt gắn liền với Phật giáo Kim Cương Thừa. Theo một số học giả, hồng danh này bắt nguồn từ kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương (Skt. Arya Karandavyuha Nama Mahayana Sutra), trong đó mô tả Bồ-tát Quán Thế Âm xuyên không đến các cõi giới khác nhau và thị hiện nhiều thần thông kỳ diệu.

Trong các bản văn tiếng Tạng, bản tôn được miêu tả chung chung với thân sắc trắng, một mặt và hai tay, quang dung hiền hòa. Tay phải ngài kết ấn “thí nguyện” (Skt. varada mudra), tay trái cầm cành hoa sen. Ở đây, thủ ấn thí nguyện tượng trưng cho tâm bố thí tối thượng, là hành động ban ơn mầu cứu độ tất cả hữu tình, giúp họ vượt qua cơn bĩ cực và tìm về bến giác. Bên tay còn lại, hoa sen nêu biểu cho sự giác ngộ tâm linh, cho sự thanh khiết, viên mãn và toàn bích. Ngài đội linh ảnh đức Phật A Di Đà Amitabha trên đỉnh đầu và vắt da nai (Skt. krishnasara) chéo vai trái. Bồ-tát ngồi khoan thai, thay đổi giữa tư thế “an nhiên du hý” (Skt. lalitasana) hoặc “tự tại minh vương” (Skt. rajalilasana) tùy theo từng truyền thống và bối cảnh.
Theo một số tài liệu Kim Cương Thừa, Bồ-tát được miêu tả cụ thể và mang tính mô phạm hơn, xuất hiện đơn độc một mình hoặc bao quanh bởi bốn hay mười hai bản tôn khác. Trong truyền thống Tropu Lotsawa, hiện tướng Không Hành được mô tả giống hệt hình tượng Chân Tâm An Định Chittavishramana. Do rất giống nhau về tư thế và tôn dung, hai hóa thân này thường được gộp làm một — khi ấy, Chân Tâm An Định được đồng hóa thành đức Quán Âm Không Hành trong dáng “an trụ nơi tự tính tâm”. Nếu bản tôn được thể hiện độc lập, đặc điểm duy nhất giúp ta phân biệt hai vị là tư thế của cánh tay trái. Đức Chân Tâm An Định chống tay trái xuống tòa ngồi, còn đức Không Hành giơ tay trái trước ngực.
Dựa trên tác phẩm Bari Gyatsa của đức Bari Lotsawa (Rinchen Drag, 1040–1112), thượng sư Ngorchen Konchog Lhundrub (1497–1557) khai thị về ngài như sau: “Đức Không Hành Quán Âm Khasarpani Avalokiteshvara hiện thân màu trắng, một mặt và hai tay, tay phải kết ấn thí nguyện, tay trái cầm cành hoa sen. Ngài an tọa trong tư thế bán già, trang hoàng bởi mũ miện bện bằng tóc, trang sức và thiên y. Ngự bên phải ngài là Lục Độ Mẫu Tara sắc xanh lục (tay phải kết ấn thí nguyện, tay trái cầm cành sen xanh) và Trì Châu Bồ-tát Manidharin sắc vàng (hai tay chắp lại, trì giữ bát sọ). Bên trái ngài là Xích Tôn Bồ-tát Bhrikuti sắc vàng (tay phải kết ấn thí nguyện, tay trái cầm gậy đinh ba) và Mã Đầu Minh Vương sắc đỏ (tay phải đỉnh lễ, tay trái cầm gậy).”
Quang Dung trong Nghệ Thuật Pala

Khi ngược dòng về nghệ thuật Ấn Độ thời Pala (thế kỷ VIII–XII), đức Không Hành xuất hiện rộng rãi trên các tác phẩm điêu khắc và phù điêu. Ngài an nhiên hiền từ ngự trên đài sen, quang dung trẻ trung, toàn thân trang hoàng bởi phục sức đá quý, tay phải kết ấn thí nguyện, tay trái cầm hoa sen — rất nhất quán với những miêu tả trong kinh văn. Sự hiện diện của linh ảnh Phật A Di Đà trên đỉnh đầu giúp ta củng cố danh tính của bản tôn là Quán Thế Âm Bồ-tát (bởi đức Quán Thế Âm chính là Pháp tử của đức Phật A Di Đà). Xung quanh ngài vẫn có chư tôn thị giả đặc trưng như Lục Độ Mẫu và Xích Tôn Bồ-tát (đại diện cho lòng từ bi); Mã Đầu Minh Vương (tượng trưng cho sức mạnh và uy dũng); song thay cho Trì Châu Bồ-tát, đức Thiện Tài Đồng Tử Sudhanakumara (tay cầm kinh điển, biểu trưng cho trí tuệ) sẽ xuất hiện tại bố cục này. Một nhân vật quan trọng khác thường được thêm vào tác phẩm là ngạ quỷ Suchimukha (“miệng mũi kim”).
Do tiền kiếp vô minh gieo nhân tham ái và làm nhiều điều bất thiện, loài ngạ quỷ “bụng to như trống, cổ nhỏ như kim” phải chịu quả báo khổ sở khốn cùng, suốt kiếp đói ăn mà không sao thỏa mãn được cơn đói trong bụng. Ở đây, ngạ quỷ Suchimukha đang quỳ gối bên dưới đài sen của đức Không Hành, hứng giọt cam lộ nhỏ xuống từ đầu ngón tay Bồ-tát. Đây là một hình ảnh trọng yếu thấm đượm tính nhân văn, bởi nó nêu bật lòng từ bi vô biên của đức Quán Thế Âm đến hết thảy chúng sinh. Dù họ đang chịu khổ ở cảnh giới nào, dù sự đau đớn ấy là kết quả của tham sân si và nghiệp báo của chính họ, đức Đại Bi vẫn xót thương, rủ lòng từ cứu độ. Trên khía cạnh tâm linh, nước cam lộ cũng biểu trưng cho giáo pháp mầu nhiệm, là diệu thực nuôi dưỡng tâm hồn hữu tình, giúp họ hóa giải sự đói khát trong tâm vốn bắt nguồn từ tam độc.
Không như Thế Tôn Quán Âm Lokanatha (một hình tướng khác của Bồ-tát Quán Thế Âm), vốn thường chỉ xuất hiện cùng Lục Độ Mẫu và Mã Đầu Minh Vương, đức Không Hành luôn có bốn bản tôn đi theo thị giả: Lục Độ Mẫu, Xích Tôn Bồ-tát, Thiện Tài Đồng Tử và Mã Đầu Minh Vương. Đây là một đặc điểm tiêu biểu trong việc định danh bản tôn thời kỳ này. Ngay cả khi diện mặt và thân thể bản tôn chính không còn nguyên vẹn, giới hàn lâm vẫn có thể xác định được đây có phải là Bồ-tát Không Hành hay không.
Hình tượng Quán Âm Không Hành trong nghệ thuật Pala miền Đông Ấn Độ phần nào phản ánh tính phức tạp ngày càng cao của hình họa Phật giáo Mật truyền trong giai đoạn hoàng kim. Y phục và trang sức kiều diễm, đài sen tuyệt đẹp với các chi tiết trang trí tinh xảo, tỷ lệ người cân đối, tư thế duyên dáng thanh nhã và gần như nữ tính — những đặc điểm hết sức điển hình cho mỹ thuật Pala thời đỉnh cao. Bất chấp những sai biệt do vùng miền và truyền thống, các đặc điểm tiên quyết để định danh ngài như tư thế, thủ ấn và chư tôn quyến thuộc vẫn tương đối nhất quán trong kinh văn và biểu tượng học bản tôn.
Quán Tưởng Bản Tôn theo Mật Pháp Tu Trì
Sự kính ngưỡng rộng rãi dành cho hiện tướng Không Hành được minh chứng rõ ràng khi ta tìm thấy nhiều nghi quỹ (Skt. sadhana) về ngài trong bộ Mật Pháp Nghi Quỹ (Skt. Sadhanamala). Điều này cho thấy pháp thực hành bản tôn Không Hành Quán Âm từng khá phổ biến với các hành giả Đại Thừa trước đây. Bên dưới là một trích đoạn liên quan đến pháp thiền định bản tôn trong nghi quỹ này.

“Từ tính không, tâm hành giả an ngự trên đĩa mặt trăng (nguyệt luân) dưới dạng chủng tử tự Hrih, sau đó hóa hiện thành sắc thân trong hình tướng Không Hành Quán Âm uy nghi tuyệt hảo. Từ ngài tỏa ra ánh nguyệt quang vô lượng, trên đỉnh đầu ngài an trí linh ảnh đức tối thắng A Di Đà Phật. Tay phải bản tôn kết ấn thí nguyện, tuôn trào dòng cam lộ giúp cho mọi chúng sinh đói khát được mãn nguyện như ý. Ngài cầm cành sen trắng bằng ngón cái và ngón trỏ tay trái ở trước tim, sen nở hoa mãn khai bên tai trái. Bồ-tát an tọa trong tư thế an nhiên du hý, chân phải thõng xuống bên dưới. Miệng ngài mỉm cười từ ái, tóc búi cao, hiện đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ tùy hình, hai mắt to tròn như cánh hoa sen. Ngài khoác da nai chéo vai trái, hạ y bằng lụa trắng, toàn thân trang hoàng chuỗi ngọc. Bản tôn tỏa ra hào quang rực rỡ, an ngự trên nguyệt luân và bạch liên đài.
Bên phải ngài có đức Lục Độ Mẫu, toàn thân màu xanh lục, tay phải kết ấn thí nguyện và tay trái giữ cành sen. Ngài được trang hoàng bởi thiên y lụa và trang sức ngọc, thân thể tươi trẻ, bộ ngực căng tròn và tràn đầy nhựa sống.
Bên phải đức Độ Mẫu là Thiện Tài Đồng Tử, đang chắp hai tay trong thủ ấn “kính lễ” (Skt. anjali mudra), kinh văn kẹp dưới tay trái. Thân ngài rực rỡ sắc vàng kim, tô điểm bằng trang sức ngọc báu, dung mạo trang nghiêm và quý phái như một bậc vương tử.
Bên trái đức Không Hành là Xích Tôn Bồ-tát, thân thể màu vàng kim và không đeo trang sức. Ngài búi tóc, có ba mắt an bình và diện y màu đỏ. Bản tôn có bốn tay, hai tay phải giơ lên đỉnh lễ và giữ tràng hạt, hai tay trái cầm gậy đinh ba và bình nước.
Bên trái đức Xích Tôn là Mã Đầu Minh Vương sắc đỏ, vô cùng phẫn nộ và rực lửa như hỏa kiếp tận. Ngài hiện tướng bụng phệ phốp pháp, có ba mắt và nhe nanh sắc, lông mày, râu và tóc ngài dựng ngược uy mãnh. Trên đỉnh đầu bản tôn hiện lên một đầu ngựa màu xanh lục. Tay phải ngài giơ lên đỉnh lễ, tay trái trì giữ chày kim cương (Skt. vajra) màu trắng.
Có thể quán tưởng bốn vị thị giả với bất cứ tư thế chân nào, dù là đứng hay ngồi.
Trên đỉnh đầu hành giả, chủng tử tự Om ngự trên nguyệt luân. Tại cổ họng, chủng tử tự Ah ngự trên nguyệt luân hồng. Tại tim, chủng tử tự Hum ngự trên đài sen và nguyệt luân trắng, và phía trên đó, chủng tử tự Hrih ngự trên nguyệt luân.”
Biểu Tượng của Lòng Từ Bi
Vượt trên tất cả, hình tượng Không Hành góp phần củng cố vai trò cứu khổ độ mê của Bồ-tát Quán Thế Âm, luôn sẵn sàng dấn thân ứng cứu chúng sinh trong mọi hoàn cảnh. Dù xuất hiện với tôn dung nào, qua lăng kính nghệ thuật hay dưới góc nhìn nghi lễ, ngài vẫn luôn là đại diện tiêu biểu nhất cho lý tưởng Bồ-tát đạo Đại Thừa — không có ai nằm ngoài tầm với của lòng từ bi, không sinh linh nào bị từ chối pháp vị nhiệm mầu.
Dịch và biên khảo: Jigme
Tư Liệu Tham Khảo
Banglapedia. “Iconography.” Banglapedia: The National Encyclopedia of Bangladesh. Accessed February 28, 2025. https://en.banglapedia.org/index.php/Iconography
Bhattacharya, Benoytosh. The Indian Buddhist Iconography. Calcutta: Firma K.L. Mukhopadhyay, 1958. “108 Forms of Avalokiteshvara.”
“Bodhisattva Avalokiteshvara in the Form of Khasarpana Lokeshvara.” Asia Society Museum. Accessed February 26, 2025. https://museum.asiasociety.org/collection/explore/1979-039-bodhisattva-avalokiteshvara-in-the-form-of-khasarpana-lokeshvara
Huntington, Susan. “Compassion in a Mountain Abode: A Pala Period Image of Avalokiteshvara.” Orientations, 2017.
Kimbell Art Museum. “Khasarpana Lokeshvara.” Kimbell Art Museum Collection. Accessed February 28, 2025. https://kimbellart.org/collection/ap-197013
“Mandala of Avalokiteshvara, Bodhisattva of Infinite Compassion.” David Rumsey Map Collection. Accessed February 26, 2025. https://www.davidrumsey.com/amica/amico1246689-10492.html
Watt, Jeff. “Buddhist Deity: Avalokiteshvara, Khasarpana (Khasarpani).” Himalayan Art Resources. Updated June 2015, March 2017, September 2018, August 2021. Accessed February 26, 2025. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=3292
Willson, Martin, and Brauen, Martin. Deities of Tibetan Buddhism: The Zürich Paintings of the Icons Worthwhile to See. Boston: Wisdom, 2000.
Comments