Sơn Ăn Tùy Mặt, Ma Bắt Tùy Người
- Quỳnh Đỗ
- 14 thg 9, 2024
- 3 phút đọc
Đã cập nhật: 10 thg 12, 2024
Nghề nào cũng phải cẩn thận, nhưng làm nghề sơn mài có lẽ bài học vỡ lòng đầu tiên là phải thật cẩn thận với sơn sống. Nhựa sơn Phú Thọ khai thác về chưa qua xử lý được gọi là sơn sống. Đây chính là thứ gây ra hiện tượng “sơn ăn”.

Nguyên Nhân
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân của hiện tượng này là do trong cây sơn có có dầu urushiol, khi tiếp xúc với da người sẽ gây ra phản ứng quá mẫn, cảm giác như bỏng rát. Dân gian gọi nôm na là bị sơn ăn.
Tên gọi urushiol bắt nguồn từ chữ “urushi” trong tiếng Nhật, dùng để chỉ nhựa của cây sơn. Chất này vừa tỏa ra trong không khí, vừa bám vào hầu hết mọi thứ nó tiếp xúc, chẳng hạn như khăn, quần áo và dụng cụ. Người dù mới vào nghề hay đã có thâm niên đều có thể bị sơn ăn, tùy cơ địa mà bị nặng hay nhẹ. Bệnh này không nguy hại lắm và cũng không truyền nhiễm, mà chỉ là một dạng viêm da dị ứng.
Khi mới chớm bị lở sơn thì da mặt, nhất là quanh mắt và hai tai, thấy bừng nóng, cồm cộm dưới da. Mặt sưng đỏ dần lên và ngứa ngáy khó chịu, muối gãi mãi, nhưng càng gãi càng sưng to, càng ngứa làm bệnh thêm nặng. Đôi khi người thợ bị lở nặng, mặt mày sưng húp, nóng bừng hết sức khó chịu. Bởi vậy, khi mới bị sơn ăn thì phải nhanh chóng chữa ngay, tuyệt đối không được để thành nốt ngứa, gãi lở ra gây nhiễm trùng. Khi ấy, bệnh trở nên phức tạp và khó chữa thêm.
Cách Chữa Sơn Ăn
Để chữa lở sơn, việc trước tiên là không vì thấy ngứa, nóng mà rửa nước lạnh vào mặt. Càng tiếp xúc với nước, vết ngứa sẽ càng lan rộng, làm trầm trọng thêm bệnh. Càng hạn chế gãi bao nhiêu thì người bệnh càng chóng khỏi bấy nhiêu. Theo dược sỹ Nguyễn Sĩ Duân, có một số bài thuốc dân gian để chữa như sau.
Cách 1: Thuốc chữa phổ biến là lấy lá khế tươi giã vắt lấy nước, xoa vào mặt vài lần là khỏi.
Cách 2: Có thể dùng vỏ cây núc nắc chữa lở sơn. Sắc 100 g vỏ thân cây núc nắc phơi khô cùng 600 ml nước, hoặc 300 g vỏ tươi băm nhỏ với 300 ml nước, gạn còn 1/3 nước thì dùng nước sắc đó uống làm ba lần trong ngày.
Cách 3: Ngâm 50 g bột vỏ thân cây núc nắc khô với 200 ml rượu. Ngâm trong khoảng một tuần lễ, sau đó gạn lọc dung dịch rượu để bôi lên vết ngứa.
Cách 4: Dùng nước vôi trong hoặc phấn rôm để xoa vào vết ngứa. Nếu chỗ bị lở sơn đã nặng, nứt chảy nước ra thì đừng dùng nước vôi trong, mà nên bôi các loại thuốc mỡ sát trùng nhẹ.
Tốt nhất, khi chớm thấy bị lở sơn, tuyệt đối không rửa nước và hạn chế gãi. Hãy xoa ngay nước vôi trong và phấn rôm thì chỉ trong vài ngày là khỏi.
Biên tập và tổng hợp
Quỳnh Đỗ
Comments