top of page

Chân Tâm An Định Chittavishramana

  • Ảnh của tác giả: Jigme
    Jigme
  • 27 thg 12, 2024
  • 4 phút đọc

Đã cập nhật: 3 thg 3

Trong tiếng Phạm, Chittavishramana (Tib. sems nyid ngal gso) có thể dịch nôm na thành “an trụ trong bản chất của tâm”. Đây là một trong những hiện tướng ít được biết đến hơn của đức Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát Avalokiteshvara, và thường được định danh sang hiện tướng Không Hành Quán Âm Khasarpana.


Chittavishramana Avalokiteshvara painting on canvas, from China
Thangka Chân Tâm An Định Quán Âm Chittavishramana Avalokiteshvara vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XIX. Xuất xứ Trung Quốc. Himalayan Art Resources.

Hình Tượng Bồ-tát Chân Tâm An Định Quán Âm


Chittavishramana Lokeshvara painting on canvas, from Tibet
Thangka Chân Tâm An Định Chittavishramana Lokeshvara vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XVIII/XIX. Xuất xứ tỉnh Tsang, Tây Tạng. Cổ vật thuộc sở hữu cá nhân. Trong bức tranh này, bản tôn được diễn tả trong tư thế "an nhiên du hý" ngược, ngự trên đài sen trắng, quanh ngài nở đầy hoa trắng, đỏ. Bên vai trái, ngài vắt tấm da linh dương, đỉnh đầu đội linh ảnh A Di Đà Phật Amitabha. Phía trên bản tôn, ở giữa là đức A Di Đà sắc đỏ, bên trái là đức Phật Thích Ca Mâu Ni Shakyamuni và tổ Asanga, bên phải là Bồ-tát Di Lặc Maitreya màu cam và Cứu Độ Tốc Dũng Pravira Tara tám tay sắc đỏ. Phía bên dưới, từ trái qua phải là đức Lục Thủ Đại Hắc Thiên sắc xanh dương, đức Bất Động Minh Vương Achala sắc trắng, và Thắng Hải Quán Âm Jinasagara Avalokiteshvara.

Theo miêu của Thành tựu giả Mitra-yogin và đức Tropu Lotsawa trong pháp quán tưởng khởi hiện bản tôn, từ tính không, Bồ-tát hiện lên an tọa trên đài sen và đĩa mặt trăng. Toàn thân ngài sắc trắng, có một mặt và hai tay. Tay phải ngài kết ấn “thí nguyện” (varada mudra), tay trái ngài vừa dựa vào tòa ngồi, vừa cầm cành hoa sen trắng tám cánh. Ngài vắt chéo vai một tấm da linh dương (krishnasara). Bản tôn được trang hoàng bởi thiên y trang sức, quang dung bình an hiền dịu. Ngài an tọa trong tư thế “an nhiên du hý” (alidha ardha-paryanka lalitasana) — chân phải duỗi (buông bỏ mọi sai lầm) và chân trái khép lại (thấu triệt mọi phẩm chất tích cực). Từ ngài tỏa ra hào quang ngũ sắc, gia trì lợi lạc cho hành giả và hết thảy chúng sinh.


Khi thể hiện trên thangka, tư thế của Bồ-tát gần như giống hệt hình tượng Sư Tử Hống Quán Âm Simhanada, song có thể phân biệt hai ngài bởi thú luân và pháp khí. Khi so sánh với hình tướng Không Hành Quán Âm, điểm khác biệt duy nhất giữa hai vị là đức Chân Tâm An Định chống tay trái xuống tòa ngồi, còn đức Không Hành giơ tay trái trước ngực. Bởi sự tương đồng này, hình tượng Chân Tâm An Định thường được xem như một biến thể của Không Hành Quán Âm. Theo đó, các nguồn tư liệu sẽ định danh ngài là Không Hành Quán Âm Khasarpana Avalokiteshvara (hoặc Không Hành Thế Tự Tại Vương Khasarpana Lokeshvara) trong dáng “an trụ nơi tự tính tâm”.


Trong điêu khắc, đôi khi đức Chân Tâm An Định được thể hiện trong tư thế “tự tại minh vương” (rajalilasana — chân phải co lên, chân trái xếp bằng), tay trái chống lên tòa ngồi, tay phải đặt khoan thai trên đầu gối phải, có thể cầm tràng hạt hoặc không. Về mặt thuật ngữ, nhiều nơi đồng hóa tư thế “tự tại minh vương” với “an nhiên du hý” và gọi chung cả hai là lalitasana. Tạo hình này khá tương đồng với hình tượng Quán Âm Tọa Sơn nổi tiếng trong nghệ thuật Đông Á.


Đôi khi tượng điêu khắc Bồ-tát Chân Tâm An Định gần như giống hệt tượng Lục Độ Mẫu Tara, và người ta phải dựa vào kích thước bầu ngực để phân định hai ngài. Trong những trường hợp ấy, đức Chân Tâm An Định thường không vắt da hươu chéo vai. Cũng có khi, ngài không được diễn tả đội linh ảnh Phật A Di Đà Amitabha trên đỉnh đầu — một chỉ tiết rất đặc trưng của nhiều hình tướng Quán Thế Âm.



Ý Nghĩa Biểu Tượng của Bản Tôn


  1. Tư thế “an nhiên du hý” hoặc “tự tại minh vương” — Ngài khoan thai an tọa trên tòa ngồi, vừa tượng trưng cho sự thư thái thoải mái, vừa nêu biểu cho trạng thái tĩnh lặng an nhiên của tự tính tâm. Tư thế này biểu thị cho cảm nhận sâu sắc của ngài về bản tâm và thiền định. Bên cạnh đó, một chân ngài thõng xuống còn đại diện cho sự sẵn sàng, nhanh chóng ứng cứu chúng sinh khi họ gặp hoạn nạn.

  2. Thủ ấn “thí nguyện” — Đây là thế tay của sự bố thí và thành tựu vô song, một cử chỉ rõ ràng cho tâm buông xả và lòng trắc ẩn vị tha. Ngài sẵn sàng ban phúc lành và độ trì cho hết thảy hữu tình.

  3. Hoa sen — Trong tay trái, ngài cầm cành sen biểu trưng cho sự thanh tịnh và giác ngộ. Hoa sen mọc lên từ bùn đen nhưng không bị vấy nhiễm, tựa như giác tính viên minh không bị tác động bởi uế trược thế gian.

  4. Da hươu hoặc linh dương — Trong biểu tượng học Phật giáo, hươu đại diện cho tình thương của bậc Bồ-tát đối với chúng sinh, vô điều kiện và bao la như từ mẫu.


Tựu trung, đức Chân Tâm An Định Quán Âm vừa hiện thân cho lòng từ bi vô ngã, vừa nêu bật tầm quan trọng của việc để cho tâm trí mình nghỉ ngơi, tĩnh tại trong trạng thái tự nhiên và sáng suốt của chính nó. Chỉ khi tâm ta lắng xuống và thôi lăng xăng dõi theo mọi thứ bên ngoài, hạt giống trí tuệ và từ bi chân thật mới có cơ hội được phát hiện, nảy mầm và đơm hoa kết quả.


Chittavishramana Avalokiteshvara painting on canvas, from Tibet,
Thangka Chân Tâm An Định vẽ trên vải. Không rõ niên đại. Xuất xứ Tây Tạng. Himalayan Art Resources.

Dịch và biên khảo: Jigme


Tư Liệu Tham Khảo


  1. Drouot. “Rare thangka of Chittavishramana Lokeshvara.” Gazette Drouot. Accessed December 26, 2024. https://www.gazette-drouot.com/en/lots/27322591-rare-thangka-of-chittavishramana-lokeshvara

  2. Tsem Tulku Rinpoche. “Semnyi Ngalso Chenrezig.” Tsem Rinpoche Blog. January 5, 2020. Accessed December 26, 2024. https://www.tsemrinpoche.com/tsem-tulku-rinpoche/one-minute-story/semnyi-ngalso-chenrezig

  3. Watt, Jeff. “Buddhist Deity: Avalokiteshvara, Chittavishramana.” Himalayan Art Resources. Last modified June 2015, updated December 2018. Accessed December 26, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=2113

  4. Willson, Martin, and Brauen, Martin. Deities of Tibetan Buddhism: The Zürich Paintings of the Icons Worthwhile to See. Boston: Wisdom, 2000.

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

Đăng Ký

Để đón đọc các bài viết mới nhất từ SonMani

bottom of page