Độ Mẫu Tara
- Jigme
- 12 thg 9, 2024
- 7 phút đọc
Đã cập nhật: 3 thg 4
Độ Mẫu Tara, bản tôn cứu độ chúng sinh trong nhiều hình tướng, vô cùng nổi tiếng ở Nepal, Tây Tạng và Mông Cổ. Ngài là khía cạnh nữ tính của Bồ-tát Quán Thế Âm Avalokiteshvara. Theo một đức tin phổ biến, ngài khởi hiện từ giọt nước mắt của đức Quán Thế Âm khi Bồ-tát rơi lệ xót thương chúng sinh đang ngụp lặn trong biển ái. Cũng như Quán Thế Âm, Độ Mẫu Tara là một bản tôn từ bi, cứu vớt chúng sinh “thoát biển luân hồi, lên bờ giải thoát”, là bậc hộ trì cho mọi người dân và hành giả tâm linh.

Xuất Xứ và Từ Nguyên của Độ Mẫu Tara
Manh mối đầu tiên về việc thờ phụng Độ Mẫu Tara xuất hiện từ thế kỷ V, tuy nhiên bản tôn có lẽ đã xuất hiện từ xa xưa hơn vì ngài được Ấn Độ giáo nhắc đến trong Rig Veda (khoảng 1500–1100 TCN). Ngài cũng được liên hệ tới đức Phật Mẫu Bát Nhã trong kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Skt. Prajnaparamita Sutra, khoảng thế kỷ I TCN–VI). Ngoài ra, cuốn Tử Thư Tây Tạng (Bardo Thodol) rất nổi tiếng ở Tây Tạng từ thế kỷ VIII cũng nhắc đến tên ngài.
Trong tiếng Phạm, hồng danh ngài (Skt. Tara) có nghĩa là “bậc cứu độ” (khi chuyển ngữ sang tiếng Tạng là Jetsun Drölma; Tib. rje btsun sgrol ba), song cũng có thể dịch là “ngôi sao”. Tựa như ánh sao sáng dẫn đường cho những người lạc lối, chúng sinh trì niệm tên ngài để tìm về nẻo đường giác ngộ. Ngài được công nhận như một vị Phật Mẫu trong rất nhiều truyền thống Phật giáo, và có lẽ người phương Tây biết đến ngài nhiều nhất qua hình tượng Phật Bà Quan Âm ở Trung Quốc. Từ thuở xa xưa đến tận ngày nay, đức Độ Mẫu Tara vẫn là một trong những nữ bản tôn nổi tiếng và quyền năng nhất Phật giáo Kim Cương Thừa.
Theo Phật giáo Tây Tạng, khi Quán Thế Âm Bồ-tát đứng trên đỉnh núi quan sát thế giới, ngài nhìn thấy chúng sinh trầm chìm trôi lăn trong đau khổ vì vô minh, mắc kẹt trong những sợ hãi và bị trói buộc vào vòng sinh tử vô tận. Dù ngài gắng công cứu độ được bao nhiêu, số lượng hữu tình trong vòng luân hồi vẫn không giảm bớt. Trước cảnh tượng ấy, đức Bồ-tát nhỏ đôi dòng lệ xót thương. Nước mắt ngài rơi xuống đất và biến thành hồ nước, giữa mặt hồ mọc lên một đóa hoa sen, khi khai nở hiển lộ đức Độ Mẫu Tara. Bởi vậy, đức Độ Mẫu cũng được công nhận như một hình tướng nữ của Bồ-tát Quán Thế Âm, là hiện thân của lòng từ bi và trí tuệ.
Theo một điển tích khác, ngài xuất thân là công chúa Nguyệt Trí (Skt. Jnanachandra; Tib. Yeshe Dawa), sống ở cõi Tịnh Quang Đa Sắc. Trải qua nhiều kiếp cúng dàng và quyết tâm cầu đạo, nàng được đức Phật ở cõi đó nhận làm đệ tử, hướng đạo nàng bước trên con đường giải thoát. Sau khi chứng nghiệm được những thành tựu tâm linh đáng kể, nàng phát nguyện Bồ-tát và được Phật thụ ký gia trì. Chư tăng thấy vậy vô cùng hoan hỷ và khuyên nàng phát nguyện đầu thai làm nam giới để có thể tiến tu hơn nữa trong kiếp sống tiếp theo. Tuy nhiên, nàng Nguyệt Trí đáp lại chư tăng:
“Trong giác tính, đâu có gì nam nữ,
Đâu có ngã, có người, có phân biệt.
Nam hay nữ cũng chỉ là danh tự,
Sinh ra từ những tâm thức vô minh.”
Sau đó, Nguyệt Trí nguyện rằng sẽ luôn tái sinh làm thân nữ giới ở cõi luân hồi, bởi đã có quá nhiều hình mẫu trượng phu trên con đường giác ngộ, nhưng hình tượng người nữ thì hãy còn ít ỏi. Nàng tiếp tục tinh chuyên tu tập, trưởng dưỡng hạnh đại bi và trau dồi phương tiện thiện xảo, nhờ đó cứu độ được vô lượng hữu tình khỏi vòng xoáy tử sinh. Cuối cùng, nàng trở thành đức Độ Mẫu Tara, luôn sẵn sàng ứng cứu chúng sinh khi họ trì niệm hồng danh ngài trong cơn nguy khốn.
Biểu Tượng của Sự Chuyển Hóa
Người ta tin rằng Độ Mẫu Tara sẽ tốc dũng cứu độ những ai trì niệm chân ngôn (mantra) “Om Tare Tuttare Ture Svaha” của ngài. Câu chân ngôn này không những thỉnh mời đức Độ Mẫu ứng hóa ban gia trì cho người trì tụng, mà còn trợ duyên cho những chuyển hóa và thay đổi tích cực trong thân tâm hành giả.
Bản thân đức Độ Mẫu cũng thị hiện 21 hình tướng khác nhau, mỗi hình tướng đại diện cho một khía cạnh của chuyển hóa. Ngoài chân ngôn nói trên, các Phật tử tín thành cũng tụng đọc lời cầu nguyện Tán Thán 21 Độ Mẫu Tara nhằm vượt qua mọi gian nan chướng ngại và khổ nạn đang gặp phải trong cuộc sống thường ngày.
Người Tây Tạng tin rằng ngài đã hóa thân thành hai người vợ của đức vua Phật giáo Songtsen Gampo (569–649/650). Theo đó, hình tướng màu trắng (Bạch Độ Mẫu) hóa thân thành công chúa Văn Thành người Trung Quốc, còn hình tướng màu xanh (Lục Độ Mẫu) hóa thân thành công chúa Bhrikuti người Nepal.
Bạch Độ Mẫu

Đức Bạch Độ Mẫu (Skt. Sitatara; Tib. Sgrol dkar ljang gu) biểu trưng cho sự thanh tịnh toàn hảo, và thường được thể hiện trong tư thế đứng ở bên phải đức Quán Thế Âm, hoặc trong tư thế an tọa kết già, trì giữ cành sen mãn khai. Đây cũng là khía cạnh trường thọ của Độ Mẫu Tara, còn được gọi là Saptalocana Tara, “Đức Tara Bảy Mắt”. Trong vai trò là bản tôn thiền định trọng yếu (yidam), ngài mang hồng danh “Pháp Luân Như Ý Bạch Độ Mẫu” (Skt. Chinta-chakra Sita Tara). Là một trong ba bản tôn trường thọ chính trong Kim Cương Thừa, Bạch Độ Mẫu thường xuất hiện cùng Vô Lượng Thọ Phật Amitayus và Tôn Thắng Phật Mẫu Ushnishavijaya. Nghi quỹ Bạch Độ Mẫu được thực hành chủ yếu để cầu trường thọ, thuyên giảm bệnh tật và diệt trừ các chướng ngại dẫn đến cái chết bất đắc kỳ tử. Thangka Bạch Độ Mẫu và “Tam Tôn Trường Thọ” thường được đặt vẽ cho các mục đích này, hoặc để cầu nguyện tái sinh cát tường cho người thân và bạn bè mới mất.
Trong hình tướng Pháp Luân Như Ý Bạch Độ Mẫu, ngài thanh nhã, tươi trẻ và đẹp như một thiếu nữ mười sáu tuổi, với nước da trắng, bầu ngực căng đầy tròn trịa, eo thon và miệng mỉm cười từ ái. Ngài được trang hoàng với bảy con mắt hình cánh cung, ba mắt trên mặt nêu biểu cho sự toàn hảo nơi thân, khẩu, ý; bốn mắt trong lòng bàn tay và bàn chân đại diện cho “tứ vô lượng” — từ, bi, hỷ và xả. Ngài an tọa trong tư thế kim cương, tay phải kết ấn “thí nguyện” (varada mudra), tay trái trì giữ cành sen utpala xanh dương trước tim và kết ấn “vô úy” (abhaya mudra).
Lục Độ Mẫu

Đức Lục Độ Mẫu (Skt. Shyamatara; Tib. Sgrol ma ljang gu) được một số người xem như hình tướng chính của bản tôn, và là Minh phi của đức Phật Bất Không Thành Tựu Amoghasiddhi. Ngài được kính ngưỡng là “Mẹ của hết thảy chư Phật”, hiện thân cho lòng đại bi và trí tuệ toàn hảo, cứu độ chúng sinh khỏi “tám đại sợ hãi”.
Trong thangka, ngài bình an và tươi trẻ như một thiếu nữ mười sáu tuổi, thân màu xanh lục ngọc, đại diện cho Phong đại và khả năng nhanh chóng thành tựu mọi công hạnh. Bản tôn an tọa trong tư thế “an nhiên du hý” (Skt. alidha ardha-paryanka lalita) — chân phải duỗi (buông bỏ mọi sai lầm) và chân trái co lên (thấu triệt mọi phẩm chất tích cực) — trên đĩa mặt trăng (tự tính giác ngộ) và đài sen (tự tại trước mọi si ám). Ngài hơi nghiêng sang trái, tay phải đặt trên đầu gối, kết ấn “thí nguyện” (varada mudra) — ban trải giác ngộ cho tất cả hữu tình; tay trái kết ấn “vô úy” (abhaya mudra) trước ngực — bảo vệ chúng sinh khỏi mọi sợ hãi và khủng bố. Ngài giữ cành sen utpala xanh dương thanh khiết, biểu trưng cho việc vượt thoát mọi khiếm khuyết.
Đức Phật của Nữ Giới
Là một vị Phật trong thân người nữ, đức Độ Mẫu Tara khẳng định lại một chân lý: nữ giới cũng có khả năng giác ngộ như nam giới. Một số tư tưởng Phật giáo cho rằng chỉ khi tái sinh trong thân người nam, hành giả mới có cơ hội chứng ngộ và giải thoát bản thân khỏi vòng luân hồi. Song câu chuyện của đức Độ Mẫu ở cõi Tịnh Quang Đa Sắc đã chứng minh rằng, “nam” hay “nữ” chỉ là những nhãn mác trói buộc chúng sinh vào tâm vô minh phân biệt, che mắt họ khỏi thực tại tối thượng.
Dù thị hiện hình tướng nào, đức Độ Mẫu Tara vẫn là hiện thân của lòng đại bi và trí tuệ, là ánh sáng soi đường cho vô vàn hành giả tiến bước trên con đường tìm cầu giác ngộ.
Dịch và biên khảo
Jigme
Tư Liệu Tham Khảo
Beer, Robert. “White Tara.” Tibetan Buddhist and Newar Tantric Art. Accessed September 12, 2024. https://www.tibetanart.com/Product.asp?PID=267
Beer, Robert. “Green Tara.” Tibetan Buddhist and Newar Tantric Art. Accessed September 12, 2024. https://www.tibetanart.com/Product.asp?PID=339
Britannica, The Editors of Encyclopaedia. “Tara.” Encyclopedia Britannica, 2017. Accessed September 12, 2024. https://www.britannica.com/topic/Tara-Buddhist-goddess
Leidy, Denise Patry. The Art of Buddhism. Boston: Shambhala, 2009.
Mark, Joshua J. “Tara.” World History Encyclopedia, 2021. Accessed September 12, 2024. https://www.worldhistory.org/Tara_(Goddess)
Willson, Martin. In Praise of Tara: Songs to the Saviouress. London: Wisdom Publications, 1996.
Yorumlar