Vua Chúa, Lama và Lụa: Tìm Về Cội Nguồn Tranh Thangka Thêu Đính
- Jigme
- 10 thg 11, 2024
- 8 phút đọc
Đã cập nhật: 17 thg 12, 2024
Tranh thangka là hình thức nghệ thuật linh thiêng, đa dạng và có tính di động nhất Tây Tạng. Ít nổi tiếng và hiếm gặp hơn là thangka thêu đính (appliqué) có giá trị rất cao. Trên thực tế, khi tôi phát hiện ra loại hình nghệ thuật này vào năm 1992 và bày tỏ nguyện vọng được học cách làm, rất ít người Tạng ở Dharamshala từng nhìn thấy chúng.

Nguồn Gốc Tranh Thangka Thêu Đính
Thangka là dạng tranh cuộn vẽ các bản tôn và bậc thầy tâm linh giác ngộ, những vị xứng đáng làm tấm gương cho chúng ta, nêu biểu cho Phật tính trong ta. Hầu hết thangka được vẽ bằng bột màu trên vải cotton, sau đó máy vào khung vải thêu kim tuyến. Tuy nhiên, đôi khi không chỉ phần khung, mà bản thân toàn bộ tranh cũng được làm hoàn toàn bằng vải.
Một bức tranh hoàn chỉnh có thể bao gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tác phẩm thêu riêng lẻ. Mỗi tác phẩm được viền bằng lông ngựa quấn chỉ lụa, thêu mũi đốt tre (couching). Khác với các phương pháp khác, thiết kế không được thêu trực tiếp lên vải, mà thay vào đó, viền lông ngựa và lụa được “đính” vào vải để tạo hình thiết kế. Sau khi hoàn thành, các hình riêng lẻ được ráp và khâu tay vào nhau để tạo nên bố cục chỉnh thể. Kỹ thuật xếp lớp như vậy giúp tác phẩm có độ bền vượt trội, thích nghi được với nhiều môi trường khác nhau mà không bị biến dạng.

Dấu tích sớm nhất của loại hình thangka này là thảm và tranh thêu từ thế kỷ XIII, có xuất xứ Trung Quốc và tạo hình theo tranh vẽ Tây Tạng. Trong vòng một hoặc hai thế kỷ, ở nội địa Tây Tạng đã xuất hiện thangka thêu đính thủ công bằng lụa. Không ai rõ dòng chảy nghệ thuật này diễn ra như thế nào, nhưng chắc chắn đây là kết quả của những mối quan hệ phức tạp gữa các quốc gia Trung và Đông Á trong nửa đầu thiên niên kỷ thứ hai.
Trong nhiều thế kỷ, quyền lực nơi đây đổi chủ nhiều lần. Có thời người Mông Cổ nắm quyền kiểm soát, thời khác lại là người Hán hoặc người Mãn Châu. Từ năm 1038–1227, triều đại Tây Hạ của người Đảng Hạng là một thế lực đáng gờm ở khu vực ngày nay thuộc Tây–Bắc Trung Quốc. Rất thường xuyên, triều đại nắm giữ vương quyền sẽ tìm đến chư lama Tây Tạng để nhận hướng đạo tâm linh.
Vải lụa Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối và thể hiện mối quan hệ này. Lụa được ghi nhận du nhập vào Tây Tạng theo đường tiến cúng hoàng gia và thương mại từ thời nhà Đường (618–907), song rất có thể điều này đã diễn ra từ sớm hơn nhiều. Một điển lệ Trung–Tạng năm 760 chép rằng, hoàng đế Đại Lục sẽ chuyển 50.000 “tấm” lụa cho triều đình Tây Tạng ở Lhasa mỗi năm.
Tại Tây Tạng, nguyên liệu bản địa dành cho dệt may chỉ có len và lông bò yak. So với chúng, lụa quý hơn rất nhiều. Trên thực tế, lụa từng được sử dụng như một loại tiền tệ. Lấy ví dụ, giá bán một con ngựa dao động từ hai mươi đến bốn mươi súc lụa, tùy thời điểm và chất lượng ngựa.
Trong một bài viết về chủ đề bảo trợ và thực hành tôn giáo ở Trung Quốc và Tây Tạng, Valrae Reynolds — cựu giám tuyển nghệ thuật châu Á tại Bảo tàng Newark, một trong số ít người từng viết về nghệ thuật thêu đính Tây Tạng — miêu tả các hoạt động nghệ thuật từ thế kỷ XI–XIII diễn ra hết sức sôi động. Rất nhiều tự viện được kiến lập bằng tài vật từ các gia tộc “quyền quý”. Từ những tư liệu thuộc thời kỳ này, dường như “một trong những cách phổ biến nhất để có công đức là cúng dàng lụa thượng hạng lên một bậc thầy khả kính ở tự viện.” Bằng cách này — qua đường tiến cúng, thương mại và đầu tư — lụa satin, lụa damask và vải thêu kim tuyến bắt đầu lấp đầy quốc khố Tây Tạng.

Khi nhà Nguyên nổi lên và thâu tóm quyền lực ở Trung Quốc sau năm 1279, triều đình nối lại bang giao tôn giáo với Tây Tạng và trao nhiều quyền lực cho giới tăng lữ trong các vấn đề tôn giáo và văn hóa, đồng thời bảo trợ cho nhiều dự án nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Việc ứng dụng lụa vào nghệ thuật tâm linh ra đời từ mối quan hệ tương liên đầy biến động giữa Đảng Hạ–Mông Cổ–Tây Tạng–Trung Quốc như thế.
Dấu Ấn Đặc Sắc Trong Nghệ Thuật Kim Cương Thừa

Chính trong thời kỳ này, tranh vải sao chép hội họa Tây Tạng bắt đầu thành hình ở Đại Lục, sử dụng kỹ thuật dệt và thêu Trung Hoa. Theo Reynolds, những tấm tranh lụa này “để lại dấu ấn đặc sắc hơn nhiều so với các bức tranh mà chúng sao chép.”
Sử gia nghệ thuật Michael Henss giải thích, “Tranh thêu, thảm thêu và vải lụa kim tuyến nằm ở đường biên của hai lĩnh vực nghệ thuật truyền thống: chúng không phải là tranh, nhưng cũng không phải là sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo nghĩa thông thường. Nguồn gốc và kỹ thuật Trung Hoa, chủ đề và bố cục Tây Tạng — chúng được triều đình ban tặng cho quan lại, tăng lữ và sứ thần Tây Tạng, tìm đường đến các tự viện Tây Tạng và Trung Quốc…” Henss viết thêm, “Nhìn từ bối cảnh lịch sử, dòng chảy mạnh mẽ của nghệ thuật Tây Tạng vào Trung Quốc, cũng như của nghệ thuật Trung Hoa đến Tây Tạng từ cuối thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XV, dường như vẫn bị đánh giá thấp.”
Vào một thời điểm nào đó, có lẽ ở thế kỷ XIV, người Tạng đã lĩnh hội đủ tinh hoa nghệ thuật dệt may Trung Hoa và bắt đầu tạo ra những kiệt tác riêng của mình. Để làm được việc đó, họ áp dụng kỹ thuật thêu đính bản địa, vốn được dùng để điểm xuyết cho trang phục pháp vũ và nghi lễ, thảm yên ngựa, tấm phủ pháp tòa, lều và vải bạt — những ứng dụng rực rỡ đầy màu sắc, tô điểm cho phong cảnh hội hè và dã ngoại nơi đây. Nhờ giới họa sỹ vẽ thangka trứ danh giúp sức, các thợ may điêu luyện nhất Tây Tạng đã cải biên kỹ thuật này để phù hợp hơn với tạo hình tinh tế và linh thiêng trong mỹ thuật thangka.
Theo Henss, một số văn bản cổ nhắc đến loại thangka thêu tay khổng lồ, được thực hiện vào đầu thế kỷ XV tại tự viện Gyantse ở Tây Tạng. Năm 1468, đức Dalai Lama đời thứ nhất đã đặt Menla Dhondrup — bậc họa sỹ vĩ đại người Tạng — thiết kế bức tranh lụa khổng lồ về đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Tự viện Tashi Lhunpo sau đó cho xây một bức tường cao chín tầng để treo tấm tranh này trong những dịp trọng đại, giúp mọi người đến dự lễ đều có cơ hội chiêm bái.

Thangka thêu đính xuất hiện nhiều hơn vào thế kỷ XVI, sau đó lan rộng khắp khu vực trong thế kỷ XVII–XVIII. Cuối cùng, loại tranh này được sản xuất không chỉ ở Tây Tạng, mà còn ở các nước láng giềng như Mông Cổ, Bhutan và Ladakh.
Dưới những biến động lịch sử 1950–1960, rất nhiều tự viện, kinh sách và hiện vật văn hóa Tây Tạng đã bị phá hủy. Tranh thangka thêu đính cũng không đứng ngoài bi kịch ấy. Trong vài thập kỷ, bộ môn nghệ thuật này nằm yên sâu giấc khi người Tạng dồn tâm tái thiết cuộc sống lưu vong, và bản thân Phật giáo Tây Tạng cũng bị đàn áp ở cố quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, dòng tranh này dần xuất hiện trở lại trong cộng đồng lưu vong ở Ấn Độ và Nepal. Một số bức thangka thêu đính cỡ lớn cũng được làm ở chính Tây Tạng, trong đó có dự án tranh thêu khổng lồ tại tự viện Tsurphu do Terris Temple và Leslie Nguyen khởi xướng.
Nhìn Về Tương Lai
Di sản tranh thangka vải — khởi nguyên từ kỹ thuật dệt may Trung Hoa mô phỏng tạo hình Tây Tạng — vẫn không ngừng phát triển trong hình hài thangka thêu đính độc đáo của Tây Tạng. Trong bộ phim tài liệu năm 2008, Vẽ Phật: Tạo Hình và Ý Nghĩa của Tranh Thangka Vải (Creating Buddhas: the Making and Meaning of Fabric Thangkas), nhà Tây Tạng học Glenn Mullin cho biết, “Đối với chúng ta, vẽ tranh và làm tượng là hai hình thức nghệ thuật cao nhất. Song trong tâm thức người dân Tây Tạng, tranh thêu đính còn vượt lên một bậc.” Valrae Reynolds cũng đồng tình với nhận xét trên, “Điều này ngược hẳn với quan niệm phương Tây rằng tranh tượng là mỹ thuật đỉnh cao, còn đồ dệt may chỉ là hàng thủ công mỹ nghệ. Trong con mắt người Tạng, tranh thangka thêu đính mới là thứ tuyệt vời nhất, cao trọng nhất mà ta có thể tạo ra.”
Là một phụ nữ người Mỹ, có phúc duyên theo học truyền thống cổ xưa ấy từ cộng đồng Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ, tôi vô cùng vinh dự được đưa bộ môn này đến với thế kỷ XXI. Và với sự trợ giúp của các bậc thầy và đồng môn người Tạng, tôi mong nguyện rằng di sản nghệ thuật này cũng tìm được chỗ đứng trong thế giới phương Tây.
Tác giả: Leslie Rinchen-Wongmo
Dịch và biên khảo: Jigme
Leslie Rinchen-Wongmo là một nghệ sĩ, giảng viên và người săn sóc cho truyền thống thangka thêu lụa linh thiêng. Bà được hai bậc thầy vĩ đại nhất còn tại thế của loại hình nghệ thuật quý hiếm này trực tiếp truyền dạy. Khi đức Dalai Lama khuyến khích và động viên bà phát triển bộ môn này, giúp nó vượt qua mọi ranh giới văn hóa và tôn giáo, bà đã sáng lập Chương trình Đào tạo Trực tuyến Thêu Phật để giúp nữ giới toàn cầu kết hợp truyền thống này vào hành trình tâm linh và sáng tạo. Bà là thành viên của hội Dakini As Art Collective, và là tác giả của cuốn sách Sợi Chỉ Giác Ngộ: Sức Mạnh Thiêng Liêng từ Nghệ Thuật Thêu Tây Tạng (Threads of Awakening: the Sacred Power of Tibetan Textile Art).
Tư Liệu Tham Khảo
Rinchen-Wongmo, Leslie. “Emperors, Lamas, and Silk: The Origin of Fabric Thangkas.” Buddhistdoor Global, April 8, 2016. https://www.buddhistdoor.net/features/emperors-lamas-and-silk-the-origin-of-fabric-thangkas/
“Thangka Appliqué.” Norbulingka Institute. Accessed November 10, 2024. https://norbulingka.org/pages/thangka-applique-religious-buddhist-art
Comments