Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Phần I
- Jigme
- 30 thg 9, 2024
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 10 thg 12, 2024
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha) khánh đản vào khoảng thế kỷ VI–IV TCN, tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) gần Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), thuộc vương quốc Kiều Tát La (Kosala, nay thuộc Nepal). Ngài mất ở thành Câu Thi Na (Kusinagara), vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha, nay là Kasia, Ấn Độ). Ngài là người sáng lập nên Phật giáo — một trong những hệ thống tôn giáo và triết học lớn nhất thế giới. Bản thân chữ “Phật” cũng là một trong nhiều danh hiệu của ngài.

Phần I: Nguồn Gốc của Cuộc Đời Đức Phật
Những câu chuyện về cuộc đời đức Phật xuất hiện dưới nhiều hình thức. Có lẽ dấu tích sớm nhất được tìm thấy trong các bộ kinh (Skt. sutra) — theo truyền thống được cho là do Phật thuyết giảng. Trong kinh, ngài kể lại những sự kiện riêng lẻ trong cuộc đời mình, diễn ra từ khi Phật thoát ly cuộc sống vương giả cho đến khi chứng thành giác ngộ. Đặc biệt, kinh Đại Bát Niết Bàn (Pali. Mahaparinibbana Sutta) thuộc Phật giáo Nam Tông đã mô tả những ngày cuối cùng của Phật, bao gồm cả việc người thể nhập niết-bàn, cách chư đệ tử tổ chức tang lễ và phân chia xá-lợi của người.

Một thể loại khác trong văn học Phật giáo sơ kỳ là Luật Tạng (Skt. vinaya, bàn về giới luật của tăng đoàn xuất gia), cũng nhắc đến nhiều sự kiện trong cuộc đời Phật, song hiếm khi ở dạng tường thuật liên tục. Nếu kinh điển thường tập trung vào con người và nhân cách của Phật (tiền kiếp quá khứ, giác ngộ và thể nhập niết-bàn), thì văn học vinaya có xu hướng nhấn mạnh vào sự nghiệp của ngài với tư cách là bậc thầy hướng đạo, cũng như vào cách các đệ tử đầu tiên của ngài cải đạo quy y. Gần đầu Công Nguyên, tài liệu độc lập về cuộc đời Phật mới bắt đầu ra đời. Chúng không thuật lại cuộc đời Phật từ khi sinh ra đến khi viên tịch, mà thường kết thúc bằng việc ngài khải hoàn chứng ngộ, trở về thành Ca Tỳ La Vệ. Một số tiểu sử về đức Phật đã bổ sung các mẩu truyện nổi tiếng, chẳng hạn như việc chàng hoàng tử trẻ ngồi thiền định dưới gốc cây trâm vối (Skt. jambu), hoặc về bốn chuyến đi của chàng ra khỏi hoàng cung.
Những kiểu truyện này thường đề cập đến các sự kiện từ tiền kiếp của Phật, mà bản thân những sự kiện ấy lại hợp thành Kinh Tiền Thân Jakata — một trong những kiểu mẫu đầu tiên của văn học Phật giáo. Ở đây, vì một nhân duyên nào đó, đức Phật sẽ kể một câu chuyện trong kiếp trước của mình. Theo đó, mỗi câu chuyện là một bài ngụ ngôn về đạo đức, và khi liên hệ đến thực tại, những thính giả quanh Phật chính là tái sinh hiện đời của các nhân vật được nhắc đến.

Kinh Tiền Thân được viết bằng tiếng Pali, gồm 547 truyện, vẫn là một trong những hình thức phổ biến nhất của văn học Phật giáo. Chúng là nguồn gốc của khoảng 32 tác phẩm chạm khắc đá tại bảo tháp ở Bharhut thế kỷ II TCN, phía Đông Bắc bang Madhya Pradesh, Ấn Độ; cũng như của 15 tác phẩm điêu khắc trên bảo tháp miêu tả lúc cuối đời Phật. Những tác phẩm này cung cấp cho chúng ta nguồn tư liệu quan trọng để xác định các sự kiện trọng yếu nhất trong cuộc đời ngài. Kinh Tiền Thân cũng rất nổi tiếng bên ngoài biên giới Ấn Độ. Ở Đông Nam Á, sự tích chàng hoàng tử Vessantara (tái sinh trước đó của đức Phật) — người thể hiện tín tâm dâng hiến bằng cách bố thí con voi thiêng, vợ và con ruột — là một trong những mẩu truyện nổi tiếng nhất.
Phiên bản hoàn chỉnh về cuộc đời Phật, từ khi ngài sinh ra cho đến khi viên tịch, xuất hiện vào thế kỷ II. Rất nổi tiếng trong số này là trường thi Phật Sở Hành Tán (Skt. Buddhacharita, “những hành động của Phật”) viết bằng tiếng Phạm của ngài Mã Minh (Ashvaghosa) ở Ấn Độ. Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật (Mulasarvastivada Vinaya, có lẽ có niên đại từ thế kỷ IV hoặc V) đã cố gắng tập hợp nhiều câu chuyện về Phật thành một bản tường thuật theo trình tự thời gian duy nhất. Trong nhiều trường hợp, mục đích của những tiểu sử này không phải để trình bày chi tiết về cuộc đời Phật, mà để chứng minh rằng các sự kiện này cũng tuân theo khuôn mẫu chung của hết thảy chư Phật quá khứ. Từ quan điểm ấy, chư vị đều xả ly cuộc sống vương giả sau khi chứng kiến cảnh sinh lão bệnh tử, đều tu khổ hạnh, đạt được giải thoát ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), đều thuyết pháp tại Vườn Nai ở Sarnath…
Cuộc đời đức Phật Thích Ca được viết lại không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở trên khắp thế giới Phật giáo, với nhiều yếu tố bổ sung và lược bỏ. Những địa điểm hành hương quan trọng vốn chưa từng được đề cập đến trong các điển tích trước đó sẽ được thánh hóa bằng cách thêm vào một câu chuyện về sự hiện diện của Phật tại đây. Rất lâu sau khi Phật viên tịch, những miền đất mà Phật giáo du nhập vào sau này — chẳng hạn như Sri Lanka, Kashmir và Miến Điện (nay là Myanmar) — đã thêm thắt sự kiện được Phật tới viếng thăm khi ngài còn tại thế.

Không có phiên bản tiểu sử đức Phật nào được mọi truyền thống Phật giáo chấp nhận. Trong hơn một thế kỷ, các học giả đã tập trung vào cuộc đời ngài, cố gắng cô lập và tách bạch yếu tố lịch sử ra khỏi truyền thuyết. Tuy nhiên, do cách biệt nhiều thế kỷ giữa thời Phật thực sự tại thế và những văn bản đầu tiên về cuộc đời ngài, hầu hết các học giả đã từ bỏ hướng nghiên cứu này. Thay vào đó, họ tìm hiểu cách xã hội, chính trị, thể chế và giáo lý phát triển tại mỗi vùng miền đã tác động lên tiểu sử đức Phật như thế nào. Nỗ lực của giới hàn lâm đã chuyển từ việc xác thực thông tin sang theo dõi tiến trình và động lực phát triển.
Một điều quan trọng cần nhấn mạnh lại là, động lực tạo ra một cuộc đời duy nhất cho đức Phật — bắt đầu từ tiền kiếp của ngài và kết thúc bằng việc ngài thể nhập niết-bàn — diễn ra khá muộn trong lịch sử Phật giáo. Tiểu sử đời Phật đã hình thành từ những mảnh ghép độc lập trước đó, và vẫn tiếp tục được biên soạn qua nhiều thế kỷ trên khắp thế giới. Trong thời hiện đại, cuộc đời Phật được viết lại với mục đích phi thần thoại hóa và nhấn mạnh vào vai trò của ngài trong việc phát triển các hệ thống luân lý, phong trào xã hội hoặc khám phá khoa học. Sau đây là một bản tường thuật về cuộc đời Phật, được biết đến tương đối rộng rãi song mang tính tổng hợp, tập hợp những sự kiện nổi tiếng từ nhiều nguồn — vốn mô tả và diễn giải những sự kiện ấy theo nhiều cách khác nhau.
Phần II: Tiền Kiếp, Niên Thiếu và Xả Ly
Tác giả: Donald S. Lopez
Biên dịch: Jigme
Tư Liệu Tham Khảo
Lopez, Donald S. “Buddha.” Encyclopaedia Britannica, 2024. Accessed September 30, 2024. https://www.britannica.com/biography/Buddha-founder-of-Buddhism.
Watt, Jeff. 1999. “Shakyamuni Buddha.” Himalayan Art Resources. Updated March 2011, January 2017, December 2019, and February 2022. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=92
Watt, Jeff. 2003. “Shakyamuni Buddha: Life Story.” Himalayan Art Resources. Updated November 2016 and June 2017. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=558
Watt, Jeff. 2013. “Shakyamuni Buddha: Jataka Stories.” Himalayan Art Resources. Updated December 2018. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=413
Comments