top of page

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Phần IV

  • Ảnh của tác giả: Jigme
    Jigme
  • 5 thg 10, 2024
  • 9 phút đọc

Đã cập nhật: 10 thg 12, 2024

Suốt bốn mươi lăm năm từ ngày chứng đạt giác ngộ, đức Phật cùng các đệ tử du hóa khắp vùng Đông Bắc Ấn Độ. Ngài thuyết pháp cho những ai muốn nghe, đôi khi tranh biện với (và theo các điển tích Phật giáo thì luôn chiến thắng) các bậc thầy từ những dòng phái khác.


Thangka painting of Shakyamuni Buddha passing into parinirvana, from Tibet.
Thangka Đức Phật Thích Ca thể nhập vô dư niết-bàn (parinirvana) vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XIX. Xuất xứ Tây Tạng. Museum of Fine Arts, Boston.

Phần IV: Du Hóa, Niết-Bàn và Xá-Lợi


Du Hóa Độ Sinh


Đạo của ngài thu hút tín đồ từ mọi giai tầng xã hội. Đối với một số người, ngài khai thị pháp quy y. Với số khác, ngài dạy việc giữ năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất gây nghiện). Và với những người sẵn sàng hơn, ngài chỉ bày phương pháp thiền định. Dù vậy, phần lớn môn đệ của Phật không từ bỏ cuộc sống thế tục mà làm cư sỹ tại gia. Những ai quyết định xuất gia, Phật cho gia nhập tăng chúng. Từ lời thỉnh cầu của di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahaprajapati) và những người phụ nữ có chồng xuất gia, ngài cho phép thành lập ni chúng. Chư tăng được cắt cử đi hóa độ khắp nơi vì lợi ích của trời và người. Bản thân chính đức Phật cũng vậy, ngài ngày đêm quán sát thế giới bằng cặp mắt toàn tri, tìm ra những người hữu duyên có thể giúp đỡ, và thường đến đó cứu độ họ bằng năng lực siêu nhiên của mình.


Thangka painting of Shakyamuni Buddha displaying dharmachakra mudra, from Tibet.
Thangka Đức Phật Thích Ca kết ấn chuyển pháp luân, vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XVI. Xuất xứ Tây Tạng. Museum of Fine Arts, Boston.

Những năm đầu tiên, Phật và tăng đoàn du hóa khắp bốn mùa, nhưng sau đó các ngài quyết định lưu lại một chỗ trong mùa mưa (ở miền Bắc Ấn Độ là khoảng giữa tháng Bảy đến giữa tháng Mười). Các đại tín chủ đã xây cho chư tăng nơi ăn chốn ở, và thời điểm cuối mùa mưa là dịp đặc biệt để cúng dàng thực phẩm và đồ dùng (nhất là vải may áo) cho các thầy. Những chốn tịnh xá này đã phát triển thành tự viện có người ở quanh năm. Tịnh xá Kỳ Đà (Jetavana) ở thành Xá Vệ (Skt. Shravasti; Pali. Savatthi), nơi đức Phật dành phần lớn thời gian lưu trú và giảng pháp, là do vị trưởng giả Cấp Cô Độc (Skt. Anathapindada; Pali. Anathapindika) cúng lên Phật.


Ngay trong tăng đoàn xuất gia, vị thế của đức Phật cũng từng bị thách thức. Từng có cuộc tranh cãi nổ ra về mức độ khổ hạnh các nhà sư phải tuân theo. Em họ Phật là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đứng đầu phe ủng hộ giới luật nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như phải sống ngoài trời và tuyệt đối kiêng thịt. Khi Phật từ chối chỉ định Đề Bà Đạt Đa làm người kế vị, hắn tìm cách sát hại Phật ba lần. Lần đầu tiên, hắn thuê sát thủ để ám sát ngài. Sau đó, hắn lăn một tảng đá xuống người Phật, nhưng đá chỉ sượt qua ngón chân ngài. Cuối cùng, hắn thả con voi hoang hung dữ về phía Phật, nhưng khi thấy quang dung ngài, voi dừng lại và cúi đầu quy phục. Về sau, một cuộc chia rẽ nữa lại xảy ra trong tăng đoàn vì một vi phạm nhỏ trong nghi thức vệ sinh. Thấy tranh chấp này khó bề hóa giải, Phật lui về ẩn cư trong rừng, sống với đàn voi suốt mùa mưa.


Đức Phật An Nhiên Thị Hiện Niết-Bàn


Ngay trước lúc viên tịch, trong ba dịp riêng biệt, đức Phật đã nói với thị giả là A Nan (Ananda) rằng, một vị Phật có thể kéo dài tuổi thọ thêm một kiếp nếu được thỉnh cầu. Sau đó, ma vương Mara hiện lên và nhắc Phật về lời hứa năm xưa, do Phật nói ngay sau khi đắc đạo, rằng ngài sẽ nhập niết-bàn (nirvana) khi viên mãn sự nghiệp truyền pháp. Đức Phật đồng ý nhập niết-bàn sau ba tháng nữa. Ngay lúc ấy, đất trời rung chuyển. Khi A Nan hỏi ngài nguyên do của cơn địa chấn, Phật nói với thầy rằng có tám lý do xảy ra việc này, và một trong số đó là khi một đức Phật quyết định lìa trần. A Nan cầu xin Phật đừng thị tịch, nhưng ngài giải thích rằng thời điểm để thỉnh cầu đã trôi qua; nếu thầy khuyến thỉnh sớm hơn, có lẽ Phật đã tùy thuận.


Thangka painting of the life of the Buddha, from Mongolia.
Thangka Cuộc đời đức Phật Thích Ca vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XVIII. Xuất xứ Mông Cổ. Robert and Lois Baylis.

Ở tuổi tám mươi, khi nương nhân duyên yếu đi vì tuổi già và bệnh tật, đức Phật thụ nhận một bữa ăn từ người thợ rèn tên Chunda. Từ các bản văn còn lại, khó có thể xác định được bữa ăn này gồm những món gì, song nhiều học giả tin rằng đó là thịt lợn. Phật nói người thợ rèn dâng đồ ăn lên một mình mình và chôn phần còn lại đi, không được dâng cho các thầy khác. Ngài thị hiện bệnh nặng ngay sau đó. Tại Câu Thi Na (Kushinagara, Kasia hiện đại), Phật nằm xuống giữa hai thân cây, nghiêng mình sang phải, và hai cây lập tức nở hoa trái mùa. Ngài nhắc vị tăng đang quạt mát cho mình bước sang một bên, bởi chư thiên đã vân tập về đây để chứng kiến Phật nhập niết-bàn, mà thầy lại đứng chắn trước mắt họ.


Sau khi hướng dẫn chư tăng cách tổ chức tang lễ cho mình, Phật nhắc các cư sỹ tại gia nên hành hương đến nơi ngài sinh ra, nơi ngài giác ngộ, nơi ngài chuyển pháp luân đầu tiên và nơi ngài nhập niết-bàn. Ở những nơi này sẽ dựng lên bảo tháp đền thờ, những ai thành tâm tôn kính các kiến trúc này sẽ được tái sinh làm thiên nhân. Kế đến, ngài dạy chư tăng rằng sau khi mình viên tịch, hãy lấy giáo pháp và giới luật làm chỗ nương tựa. Ngài cho phép các sư bỏ đi những giới luật nhỏ (nhưng bởi thầy A Nan không hỏi cụ thể nên chúng tăng quyết định giữ nguyên). Cuối cùng, ngài hỏi 500 vị đệ tử tụ họp tại đó xem còn câu hỏi và nghi hoặc nào không. Tất cả đều im lặng. Phật hỏi thêm hai lần nữa, rồi tuyên bố rằng không ai trong hàng đệ tử còn bất kỳ nghi ngờ hoặc nhầm lẫn nào, và tất cả sẽ đạt tới niết-bàn tịch diệt.


Theo một số văn bản, tiếp đó Phật mở áo choàng của mình và hướng dẫn chư tăng chiêm ngưỡng thân thể của một vị Phật, bậc “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Sau cuối, Phật tuyên bố vạn pháp nhân duyên thảy đều vô thường sinh diệt, và khuyên các đệ tử hãy nỗ lực hết mình. Đây là những lời cuối cùng của Phật. Rồi ngài bắt đầu nhập định, an trụ từ Sơ thiền đến cấp độ cao nhất, rồi từ cấp độ cao nhất trở về Sơ thiền, trước khi trụ ở Tứ thiền và từ đó thể nhập vô dư niết-bàn.


Xá lợi của Đức Phật


Trước đó, Phật chỉ dẫn các đệ tử làm lễ trà-tỳ cho mình như thể làm cho một bậc Chuyển Luân Thánh Vương, kế đến phân chia xá-lợi cho các nhóm cư sỹ tại gia để họ thờ xá-lợi trong những bảo tháp hình vòm. Nhục thân ngài được đặt trong kim quan bảy ngày trước khi đưa lên giàn hỏa thiêu, và người châm lửa là đại đệ tử Ma Ha Ca Diếp (Mahakashyapa), người vắng mặt tại thời điểm Phật nhập niết-bàn. Sau lễ trà-tỳ, xá-lợi Phật được chia cho các cư sỹ tại gia, song quan quân từ bảy nước láng giềng cũng đến đòi xá-lợi. Để tránh xảy ra xung đột, một vị tăng đã chia xá-lợi ra làm tám phần. Theo truyền thống, có mười bộ xá-lợi được lưu giữ: tám bộ từ xá-lợi của kim thân Phật; một bộ từ tro của giàn thiêu; và một bộ từ chiếc bình dùng để chia xá-lợi. Các di vật sau đó được thu thập và thờ phụng trong một bảo tháp duy nhất. Hơn một thế kỷ sau, hoàng đế A Dục (Ashoka) được cho là đã chia xá-lợi ra thờ ở 84.000 bảo tháp.


Thangka painting of Buddhist stupa, from Nepal.
Thangka Một trăm nghìn bảo tháp Phật vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XVI. Xuất xứ Nepal. Himalayan Art Resources. Tác phẩm này là một phần của nghi lễ lakshyachaitya, theo đó một trăm nghìn biểu tượng tháp Phật được vẽ hoặc nặn từ đất sét. Nghi lễ này có tác dụng cầu nguyện bình an cho gia đình tín chủ. Ở hàng trên cùng là đức Phật Kim Cương Trì Vajradhara và Ngũ Trí Như Lai, từ trái qua phải gồm Bảo Sinh Ratnasambhava, Bất Động Akshobhya, Đại Nhật Vairochana, Vô Lượng Quang Amitabha và Bất Không Thành Tựu Amoghasiddhi. Ở chính giữa hàng dưới cùng là bậc hộ pháp phẫn nộ Đại Hắc Thiên Mahakala, đứng vây hai bên là các tín chủ đàn-việt. Quanh bố cục trung tâm là những tiểu họa miêu tả mối quan hệ vợ chồng và lợi ích của việc thờ bảo tháp. Ở góc trái trên cùng, bên dưới Ngũ Trí Như Lai là các tiểu họa về bảy vị Phật quá khứ: Tỳ Bà Thi Phật Vipashyin, Thi Khí Phật Shikhin, Tỳ Xá Phù Phật Vishvabhu, Câu Lưu Tôn Phật Krakuchandra, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật Kanakamuni, Ca Diếp Phật Kashyapa và Thích Ca Mâu Ni Phật Shakyamuni.

Trong văn hóa Á Đông, bảo tháp là nơi biểu thị cho sự hiện diện của đức Phật. Các văn bản và di chỉ khảo cổ đều liên hệ bảo tháp tới những sự kiện và địa điểm quan trọng trong cuộc đời ngài. Có tám thánh địa nổi tiếng nhất để hành hương và chiêm bái, bao gồm nơi Phật sinh ra, chứng đạt giác ngộ, chuyển pháp luân lần đầu tiên, thị hiện niết-bàn, và bốn nơi ngài phô diễn pháp mầu bất khả tư nghị. Ví dụ, bảo tháp ở Samkashya đánh dấu địa điểm Phật giáng trần từ cung trời Đâu Suất (Tushita), nơi ngài lưu lại thuyết pháp cho thân mẫu. Tầm quan trọng của bảo tháp cho thấy sự trường tồn của hình tượng đức Phật trên thế gian, dù ngài đã nhập niết-bàn từ lâu.


Có hai loại niết-bàn thường được nhắc đến. Loại đầu tiên là “hữu dư niết-bàn” (Skt. sopadhishesa-nirvana) mà Phật đã chứng đạt dưới gốc cây bồ-đề, khi ngài tận diệt mọi hạt giống của sự tái sinh tương lai. Do đó, loại này cũng được gọi là “diệt tận phiền não niết-bàn”. Tuy nhiên, nghiệp báo nhào nặn nên đời sống hiện tại của ngài vẫn còn hoạt động, và sẽ còn hoạt động cho tới khi Phật viên tịch. Bởi vậy, kể từ thời điểm giác ngộ, thân tâm Phật là những gì còn sót lại (“hữu dư”) cho đến phút mệnh chung.


Loại niết-bàn thứ hai xảy ra sau Phật thị tịch và được gọi là “vô dư niết-bàn” (Skt. parinirvana), hay “diệt tận ngũ uẩn niết-bàn”, bởi không còn gì để tái sinh sau khi ngài viên tịch. Trên thực tế, hãy còn sót lại một thứ sau thời khắc lâm chung: xá-lợi Phật nằm giữa đống tàn tro. Vì thế, đôi khi người ta còn nhắc đến một loại niết-bàn thứ ba.


Theo niềm tin Phật giáo, sẽ đến một thời kỳ trong tương lai xa xôi, khi giáo lý của đức Phật biến mất khỏi thế gian và xá-lợi không còn được tôn kính nữa. Khi ấy, xá-lợi thờ phụng trong các bảo tháp trên khắp thế giới sẽ thoát ra và bay về Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), hợp thành kim thân chói lòa rực rỡ của Phật, an định trong tư thế kim cương bên gốc bồ-đề, sáng soi mười nghìn thế giới. Chư thiên sẽ đỉnh lễ tán thán kim thân Phật lần cuối cùng, rồi thân ấy bùng cháy thành ngọn lửa và biến mất trên bầu trời. Niết-bàn thứ ba này được gọi là “diệt tận xá-lợi niết-bàn”. Từ giờ cho đến thời khắc đó, xá-lợi được kính ngưỡng như một sự hiện diện sống động của Phật, thấm nhuần mọi phẩm chất kỳ diệu từ ngài. Bằng chứng từ chữ khắc đá và văn học Ấn Độ cho thấy, bảo tháp Phật không chỉ mang ý nghĩa là nơi ban phúc gia trì, mà còn thực sự được nhân cách hóa thành một con người xương thịt. Suy xét sâu xa, xá-lợi của Phật quả thực chính là đức Phật vậy.


Tác giả: Donald S. Lopez

Biên dịch: Jigme


Tư Liệu Tham Khảo


  1. Lopez, Donald S. “Buddha.” Encyclopaedia Britannica, 2024. Accessed September 30, 2024. https://www.britannica.com/biography/Buddha-founder-of-Buddhism.

  2. Watt, Jeff. 1999. “Shakyamuni Buddha.” Himalayan Art Resources. Updated March 2011, January 2017, December 2019, and February 2022. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=92

  3. Watt, Jeff. 2003. “Shakyamuni Buddha: Life Story.” Himalayan Art Resources. Updated November 2016 and June 2017. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=558

  4. Watt, Jeff. 2013. “Shakyamuni Buddha: Jataka Stories.” Himalayan Art Resources. Updated December 2018. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=413

Commenti

Valutazione 0 stelle su 5.
Non ci sono ancora valutazioni

Aggiungi una valutazione

Đăng Ký

Để đón đọc các bài viết mới nhất từ SonMani

bottom of page