top of page

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Phần III

  • Ảnh của tác giả: Jigme
    Jigme
  • 2 thg 10, 2024
  • 7 phút đọc

Đã cập nhật: 10 thg 12, 2024

Do vẫn tin vào phương pháp khổ hạnh hành xác, năm người bạn đồng tu quyết định bỏ lại hoàng tử Tất Đạt Đa và rời đi. Không còn bậc thầy và đồng đạo, chàng thề sẽ ngồi dưới gốc cây, không đứng dậy cho đến khi tìm được chân lý siêu việt luân hồi.


Thangka painting of Shakyamuni Buddha meditating under the attack of the host of Mara on canvas, from Buryatia, Russia.
Thangka Đức Phật Thích Ca chống lại ma quân Mara vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XIX. Xuất xứ Buryatia, Nga. Rubin Museum of Art.

Phần III: Giác Ngộ và Năm Đệ Tử Đầu Tiên


Chứng Đắc Phật Quả


Vào ngày rằm tháng Tư (hoặc tháng Năm), sau sáu năm rời khỏi hoàng cung, chàng hành thiền liên tục cho tới lúc bình minh. Ma vương Mara biết hoàng tử đang tìm cách chấm dứt tham dục và giải phóng mình khỏi sự kìm kẹp của ma quân, liên tấn công chàng bằng gió, mưa, đá, vũ khí, than hồng, tro cháy, cát, bùn và bóng tối. Hoàng tử không hề nao núng và tiếp tục thiền định về lòng từ bi, nhờ đó biến mưa giông cuồng nộ thành một trận mưa hoa. Sau đó, ma vương cử ba người con gái xinh đẹp của mình là Dục Vọng, Khát Khao và Bất Mãn đến cám dỗ hoàng tử, song chàng vẫn không hề lay động. Chẳng còn cách nào, ma vương tuyên bố chỗ hoàng tử đang ngồi là của mình, và thách chàng chứng minh được điều ngược lại. Khi ấy, trong cảnh tượng mà về sau sẽ trở thành hình ảnh nổi tiếng nhất nghệ thuật Phật giáo Á Đông, chàng hoàng tử vừa tự tại an tọa trong tư thế thiền định, vừa đưa tay phải chạm vào mặt đất. Trong tư thế này (xúc địa ấn), chàng triệu thỉnh nữ Thổ thần lên xác nhận rằng, pháp cúng dàng vĩ đại chàng thực hiện từ tiền kiếp, khi còn là hoàng tử Vessantara, đã giúp chàng có quyền ngồi dưới gốc cây. Thổ thần tán thán lời chàng nói bằng cách khiến cho đất trời rung chuyển, và ma vương buộc phải bỏ đi.


Thangka painting of Shakyamuni Buddha teaching Saddharma Pundarika Sutra on Vulture Peak Mountain, by Khamtrul Rinpoche in Tibet.
Thangka Đức Phật Thích Ca thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika Sutra) trên đỉnh núi Linh Thứu, vẽ trên vải. Niên đại 1900–1959. Xuất xứ Tây Tạng. Rubin Museum of Art. Bức tranh này được phỏng theo hình in mộc bản ở Dege Parkang đầu thế kỷ XX. Tác giả của hình vẽ gốc được cho là đức Khamtrul Rinpoche thuộc truyền thừa Drukpa Kargyu; tuy nhiên, người ta không rõ đây là hóa thân đời thứ mấy của ngài. Trong tranh, đức Phật đang an tọa trên sườn núi Linh Thứu để thuyết kinh Pháp Hoa. Ngài giơ cao một bông sen trên tay phải, biểu trưng cho tự tính bất khả tư nghị của trí tuệ thấu triệt tính không. Ở chính giữa trên cùng là đức Phật Mẫu Bát Nhã (Prajnaparamita) sắc vàng, bốn tay, là hiện thân của trí tuệ. Ở trung tâm tiền cảnh, bên dưới đức Phật là Bạch Độ Mẫu Tara, không liên quan đến bối cảnh thuyết kinh.

Sau đó, hoàng tử tiếp tục hành thiền suốt đêm. Trong canh giờ đầu tiên, chàng thấy rõ mọi tiền kiếp của mình, nhớ lại nơi sinh, đẳng cấp và thậm chí cả thức ăn từng thụ dụng. Vào canh giờ thứ hai, chàng thấu rõ cách chúng sinh thăng trầm trong vòng luân hồi, là hậu quả của những việc họ làm từ quá khứ. Đến canh giờ thứ ba, ngay trước lúc bình minh, chàng đạt được toàn giác và đắc quả vị Phật. Có nhiều dị bản viết về trải nghiệm chứng ngộ của ngài. Một số phiên bản cho rằng đó là Tứ Diệu Đế: sự thật về khổ, nguồn gốc của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Số khác nghiêng về cách ngài thấu triệt giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên: cách vô minh dẫn đến hành, rồi cuối cùng là sinh và lão tử; khi vô minh bị triệt tiêu, lão tử cũng theo đó diệt tận. Gạt qua mọi khác biệt, tất cả đều đồng ý rằng ngài đã thành đạo trong đêm ấy, đã trở nên một vị Phật, một bậc toàn giác, người tự đánh thức mình khỏi giấc mộng vô minh và độ thoát cả vũ trụ bằng trí tuệ.

Trải nghiệm ấy sâu sắc đến mức đức Phật nán lại bên gốc cây thêm bảy tuần, ân hưởng niềm hỷ lạc siêu việt của giác ngộ. Một trong bảy tuần đó trời đổ mưa, và vua rắn naga (long vương) đã đến bên Phật, bành mang che mưa cho ngài khỏi ướt — một hình ảnh rất nổi tiếng trong nghệ thuật Phật giáo. Cuối tuần thứ bảy, có hai thương nhân diện kiến Phật và dâng lên ngài mật ong và bánh. Thấy rằng một đức Phật không nên nhận thức ăn bằng tay không, tứ thiên vương nơi bốn phương đã cúng dàng ngài bốn chiếc bát khất thực. Đức Phật dùng thần thông hiệp bốn bát lại làm một, sau đó thụ nhận thực phẩm. Đổi lại, ngài nhổ một vài sợi tóc trên đầu và trao chúng cho các thương nhân.


Những Đệ Tử Đầu Tiên của Đức Phật


Sau đó, Phật chưa biết mình nên làm gì tiếp, bởi những điều ngài vừa thấu triệt quá sức thâm sâu và uyên áo, thật khó để người đời hiểu nổi. Từ thiên không, Phạm Thiên (Brahma) giáng trần và thỉnh Phật chuyển pháp luân. Thần bạch Phật rằng chúng sinh căn cơ cao thấp khác nhau, tất sẽ có người được lợi ích từ giáo pháp của ngài. Đức Phật nhớ đến những bậc thầy hướng đạo dạy mình, cho rằng họ sẽ là những người phù hợp nhất. Tuy nhiên, một vị thần bạch ngài rằng các thầy đều đã tịch cả. Phật lại nghĩ đến năm người bạn đồng tu khổ hạnh, và bằng thần lực thiên nhãn thông, ngài thấy họ đang lưu trú tại Vườn Nai ở Sarnath, bên ngoài thành Varanasi (Benaras). Ngài đứng dậy và bắt đầu rảo bước, trên đường đi gặp một thầy tu khổ hạnh. Khi chào hỏi và nói với người này rằng mình đã chứng ngộ, đã vượt qua cả những đấng thần linh, thầy tu chỉ đáp lại bằng sự hờ hững thờ ơ.


Mặc dù định phớt lờ đức Phật vì người đã từ bỏ pháp tu hành xác, năm vị đồng môn rất ngạc nhiên trước phong thái và quang dung của Phật, nên vẫn đứng dậy và đón chào ngài. Họ hỏi Phật đã hiểu thêm điều gì kể từ khi rời xa họ. Ngài đáp lại bằng một bài pháp, hay nói theo ngôn ngữ truyền thống, Phật đã “chuyển pháp luân lần thứ nhất”. Trong lời giảng đầu tiên, ngài nói về con đường trung dung giữa hai thái cực buông thả và hành xác, kết luận cả hai đều vô ích. Sau đó, ngài bắt đầu pháp thoại về Tứ Diệu Đế — hay Tứ Thánh Đế, “bốn chân lý của những bậc thánh nhân”.


Chân lý đầu tiên là sự thật về khổ (Khổ đế), rằng khổ là đặc tính cố hữu, tồn tại trong mọi cõi giới luân hồi. Những nỗi khổ đặc trưng nhất của loài người bao gồm sinh, lão, bệnh, tử, chia lìa người thương, hội ngộ kẻ thù, không có được điều mình cầu, phải nhận điều bất như ý…


Thangka painting of Shakyamuni Buddha and 16 Arhats, in Tibet.
Thangka Đức Phật Thích Ca và mười sáu vị A-la-hán (Arhat) vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XVI. Xuất xứ Tây Tạng. Rubin Museum of Art. Trong bức tranh này, đức Phật an tọa ở trung tâm, hai bên có hai Bồ-tát đứng chầu. Đây là một bố cục tương đối lạ thường khi không thể hiện ngài Xá Lợi Phất (Shariputra) và Mục Kiền Liên (Maudgalyayana), bởi theo thông lệ, hai ngài luôn có mặt trong tranh vẽ đức Phật và mười sáu vị A-la-hán.

Chân lý thứ hai xác định nguyên nhân của khổ là từ những tạo tác bất thiện nơi thân, khẩu, ý (Tập đế); chính chúng là tác giả tạo nên quả báo đau khổ về thể xác và tinh thần trong tương lai. Những tạo tác này được thúc đẩy bởi các trạng thái tinh thần tiêu cực mang tên phiền não (Skt. klesha), gồm ham muốn (tham), sân hận (sân) và vô minh (si) — niềm tin sai lầm vào một bản ngã trường tồn và độc lập trong cái tổ hợp thân tâm vốn dĩ vô thường.


Chân lý thứ ba bàn về sự chấm dứt khổ (Diệt đế), rằng thực sự tồn tại một trạng thái vượt thoát đau khổ, được gọi là niết-bàn (Skt. nirvana). Vô minh thúc đẩy ham muốn và sân hận, nhưng nếu loại bỏ được nó, mọi tạo tác tiêu cực sẽ không còn và đau khổ tương lai sẽ không xảy ra. Mặc dù lý luận như vậy giúp ta ngăn chặn những tạo tác bất thiện trong tương lai, nhưng vẫn chưa giải quyết được gánh nặng ác nghiệp bản thân tích lũy từ vô thủy kiếp. Tuy vậy, khi ta nhận chân được sự vắng mặt của bản ngã và đào sâu chiêm nghiệm đến khi trí tuệ ló rạng, mọi hạt giống ác nghiệp của tương lai cũng theo đó diệt vong. Tất nhiên, nếu không có phương pháp thực tiễn để hiện thực hóa điều này, niết-bàn sẽ mãi là một lý tưởng.


Chân lý thứ tư, con đường để ta thực sự cất bước, chính là phương pháp ấy (Đạo đế). Con đường này được mô tả theo nhiều cách, song thường bao hàm việc trưởng dưỡng đạo đức (Giới), thiền định (Định) và trí tuệ (Tuệ). Trong pháp thoại đầu tiên, đức Phật khai thị Bát Chính Đạo gồm quan điểm đúng đắn (Chính kiến), thái độ đúng đắn (Chính tư duy), lời nói đúng đắn (Chính ngữ), hành động đúng đắn (Chính nghiệp), sinh kế đúng đắn (Chính mệnh), nỗ lực đúng đắn (Chính tinh tiến), tỉnh thức đúng đắn (Chính niệm) và thiền định đúng đắn (Chính định).


Vài ngày sau bài pháp này, đức Phật nêu lên học thuyết vô ngã (Skt. anatman). Tại thời điểm ấy, năm thầy đồng tu đã đắc quả A-la-hán (Skt. arhat), đã giải thoát khỏi vòng tái sinh và sẽ nhập niết-bàn sau khi viên tịch. Họ trở thành những thành viên đầu tiên của tăng đoàn xuất gia (Skt. sangha).



Phần IV: Du Hóa, Niết-Bàn và Xá-Lợi


Tác giả: Donald S. Lopez

Biên dịch: Jigme


Tư Liệu Tham Khảo


  1. Lopez, Donald S. “Buddha.” Encyclopaedia Britannica, 2024. Accessed September 30, 2024. https://www.britannica.com/biography/Buddha-founder-of-Buddhism.

  2. Watt, Jeff. 1999. “Shakyamuni Buddha.” Himalayan Art Resources. Updated March 2011, January 2017, December 2019, and February 2022. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=92

  3. Watt, Jeff. 2003. “Shakyamuni Buddha: Life Story.” Himalayan Art Resources. Updated November 2016 and June 2017. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=558

  4. Watt, Jeff. 2013. “Shakyamuni Buddha: Jataka Stories.” Himalayan Art Resources. Updated December 2018. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=413

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

Đăng Ký

Để đón đọc các bài viết mới nhất từ SonMani

bottom of page